Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

Sản xuất, phổ biến phim - bao giờ chuyên nghiệp?





Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phía trái.chỉ đạo làm phim Trái tim bé bỏng - Ảnh: Hoàng Long. Quay phim NSND Hữu Tuấn bên phải và phó quay phim Việt Hùng.

Tại hội thảo Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, phổ biến phim do Cục Điện ảnh tổ chức ngày 17.7, các đại biểu đều bày tỏ nỗi thất vọng về phim Việt.

Điệp khúc muôn thuở

Chủ đề hội thảo không mới và phạm vi quá rộng nên các đại biểu chỉ có thể "kêu" chung chung. Mỗi đại biểu soạn sẵn một tham luận, bước lên bục đọc trong 15 phút rồi về chỗ. Vẫn những điệp khúc muôn thuở về "thực trạng manh mún, nghèo nàn của hệ thống sản xuất, phát hành phim". Không tranh luận. Không phản hồi. Nhiều đại biểu không đủ kiên nhẫn ngồi nghe nên đã bỏ về trước khi hội nghị kết thúc. Đến phút chót, chỉ còn lèo tèo vài đại biểu.

Đạo diễn Bùi Đình Hạc trình bày tham luận về sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu đồng bộ trong khâu sản xuất và phổ biến phim, nhưng cũng chẳng đưa ra giải pháp nào cụ thể để khắc phục. Đạo diễn Thanh Vân đọc tham luận về quan hệ giữa đạo diễn và biên kịch và chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến điện ảnh Việt Nam sản sinh nhiều tác phẩm làng nhàng là bởi mối quan hệ giữa đạo diễn và biên kịch lỏng lẻo. Ngược lại, nếu biên kịch và đạo diễn hợp tác ưng ý thì mới tạo ra sản phẩm chất lượng.

Bàn về điện ảnh tài liệu, đạo diễn Văn Lê cho rằng số tác phẩm điện ảnh tài liệu nổi trội trong hai thập kỷ qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều lớt phớt, khen một tí, chê một tí, mà thường thì khen nhiều hơn chê. Hình như các nhà làm phim ở ta có tâm lý "tốt khoe, xấu che". Điều này khiến cho phim của ta có "cái gì đó" thiếu hiện thực, thiếu sinh khí, thiếu khách quan. Trong khi người xem muốn thấy được cái thô nhám của hiện thực thì dòng phim tài liệu chiến tranh cách mạng lại có xu hướng khoa trương, khuếch đại. Còn dòng phim tài liệu về cuộc sống đương đại thì "vòng vo tam quốc", né tránh những vấn đề nhạy cảm, nơm nớp "sợ bóng sợ gió" và chỉ thích giải thích ra rả từ đầu đến cuối.

Bao giờ có tập đoàn điện ảnh?

Cảnh trong phim Trái tim bé bỏng - một phim đang tìm "đầu ra" với công chúng - Ảnh: Lan Hà
Duyệt phim và đầu tư cho điện ảnh là những vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trong tham luận của các đại biểu. Đạo diễn Văn Lê kêu gọi xóa bỏ cách đầu tư điện ảnh nhỏ giọt. Còn trong việc duyệt phim, "chừng nào nhà quản lý không còn là những ông "kẹ", những "ông ba bị chín quai" thì điện ảnh Việt Nam mới phát triển được", ông Lê nói. Nhà sản xuất phim tư nhân Lưu Phước Sang băn khoăn: "Tại sao chúng ta có tập đoàn dệt may, tập đoàn dầu khí, mà không có tập đoàn phát hành phim?". Ông Sang đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Cục Điện ảnh xây dựng đề án đầu tư chiến lược vào sản xuất, phát hành.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhắc lại "điệp khúc": "Chuyên nghiệp là phải sống được bằng nghề. Chuyên nghiệp là phải có thị trường điện ảnh lành mạnh, đúng nghĩa. Một nền điện ảnh chiếu phim miễn phí và bao cấp thì không thể coi là chuyên nghiệp. Cũng chính bởi phim chiếu miễn phí, nhà nước bao cấp nên đạo diễn không sống chết với tác phẩm bỏ ra, phim làm xong cũng không cần bán vé. Khi thị trường điện ảnh quá nhỏ bé, không tạo ra lợi nhuận thì không người giỏi nào dấn thân vào nghề". PGS. TS Nguyễn Tri Nguyên bổ sung: "Hình như phim của ta sản xuất ra chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người làm phim. Tại sao phim của ta có tất cả, có nhân vật, có lịch sử, có số phận, có tính cách mà vẫn sống sượng, không thu hút người xem? Người xem bây giờ không đòi hỏi xem cái gì mà muốn xem tác phẩm được thể hiện thế nào"...

Bởi sự chuyển động của nền điện ảnh Việt Nam quá chậm chạp nên hình như cứ "đến hẹn lại lên", các đại biểu vẫn cứ phải bàn những vấn đề "biết rồi, khổ lắm" qua các kỳ đại hội, hội nghị, hội thảo của ngành. Chẳng biết sau hội thảo bàn về tính chuyên nghiệp này, điện ảnh Việt Nam có "nhúc nhích" chút nào để tiến tới chuyên nghiệp không.

Y Nguyên
theo tuổi trẻ báo

Không có nhận xét nào:

Bài đăng Phổ biến